Posts Tagged ‘Finance Function as Internal Business Partner’

NÂNG CAO HIỆU QUẢ VỐN LƯU ĐỘNG

Tháng Chín 18, 2009

Bai nay da duoc dang tren Nhip Cau Dau Tu , nam 2008

NÂNG CAO HIỆU QUẢ VỐN LƯU ĐỘNG

So với năm 2007, việc huy động vốn trên thị trường hiện nay gặp nhiều khó khăn hơn. Sự khó khăn này là do: (1)lãi suất cho vay trên thị trường tín dụng ngày càng cao do chịu sự ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ, (2) thị trường chứng khoán đang có xu hướng giảm sút khiến nhiều nhà đầu tư không còn “rộng mở hầu bao” của mình. Trong điều kiện này, các doanh nghiệp buộc phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của mình nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp có thể có thể sử dụng một số phương thức sau để nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn lưu động của mình[1].

Thay đổi phương thức lập kế hoạch và dự đoán về nhu cầu vốn lưu động theo cách phân bổ vốn lưu động theo thị trường (market-driven working capital allocation). Theo phương pháp lập kế hoạch và dự đoán nhu cầu vốn lưu động hiện nay, các doanh nghiệp  thường phân bổ vốn lưu động của mình theo kỳ kế toán (accounting period). Trong một năm thường có 12 kỳ kế toán và doanh nghiệp dựa trên dự đoán nhu cầu vốn lưu động toàn năm phân bổ đều cho 12 kỳ. Cách phân bổ này dẫn đến việc không sử dụng hiệu quả nguồn vốn lưu động là do: (1) nhu cầu vốn lưu động ở mỗi kỳ kế toán là khác nhau và vì thế có những kỳ doanh nghiệp thiếu hụt nguồn vốn lưu động và có những kỳ doanh nghiệp doanh nghiệp lại thừa vốn, (2)sự thiếu hụt hay sự dư thừa nguồn vốn lưu động đều có ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, một số công ty đã thay đổi phương thức lập kế hoạch và dự đoán nhu cầu vốn theo hình thức phân bổ vốn theo thị trường hoặc cơ hội. Theo phương pháp này, các doanh nghiệp đã xây dựng cho mình hệ thống đánh giá cơ hội và rủi ro và kết nối hệ thống này tới các quá trình lên kế hoạch, dự đoán và phân bổ nguồn vốn lưu động. Hệ thống đánh giá cơ hội và rủi ro sẽ liên tục cập nhật những cơ hội mới nổi trên thị trường và sẽ thông báo cho hệ thống phân bổ nguồn vốn. Hệ thống phân bổ nguồn vốn sẽ lập tức đánh giá,lượng hóa cơ hội này và sẽ phân bổ đúng và đủ nguồn vốn lưu động để hỗ trợ cho việc dành cơ hội phát triển này. Với hệ thống này các doanh nghiệp có thể phân bổ được nguồn vốn lưu động đúng với nhu cầu phát triển và tối thiểu hóa được chi phí sử dụng vốn lưu động.

Phải xem chỉ tiêu quản lý vốn lưu động là một trong các chỉ tiêu quan trọng của quản trị tài chính. Trong quá khứ, chỉ tiêu về quản lý vốn lưu động không được các nhà quản trị cấp cao (thường ở cấp độ C – CEO,CFO,CIO…) quan tâm đến. Các nhà quản trị này thường quan tâm đến đến các chỉ tiêu liên quan đến thu nhập (các chỉ tiêu về doanh thu và chi phí) và các chỉ tiêu liên quan đến chiến lược công ty. Chính điều này cũng làm cho các nhà quản lý cấp kinh doanh (business unit managers) cũng chỉ quan tâm đến các chỉ tiêu liên quan đến thu nhập và chi phí. Chẳng hạn như các nhà quản lý bán hàng chỉ quan tâm đến việc tạo ra doanh thu, nhưng không quan tâm đến tỷ lệ bao nhiêu doanh thu ở dạng khoản phải thu hay bao nhiêu doanh thu chưa thu được và quá hạn. Hay như các nhà quản trị mua hàng chỉ quan tâm đến việc làm sao giảm chi phí hơn là các điều khoản thanh toán.Để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chỉ tiêu quản lý vốn lưu động, một số công ty đã đưa chỉ tiêu này vào hệ thống khen thưởng của công ty. Theo đó chỉ tiêu này có thể ảnh hưởng đến tổng số tiền thưởng mà các nhà quản lý bán hàng được nhận. Nếu các nhà quản lý này đạt được các chỉ tiêu về quản trị vốn lưu động mà bộ phận tài chính đưa ra, như kỳ hạn phải trả và tỷ lệ các khoản phải trả quá hạn, thì họ sẽ được thưởng thêm một tỷ lệ nhất định. Thường chỉ tiêu này ảnh hưởng đến khoảng 15% tổng thưởng trên doanh thu mà các nhà quản lý bán hàng nhận được hằng năm. Ngược lại, trong trường hợp các nhà quản lý này không đạt được các chỉ tiêu này thì công ty sẽ giảm ngân sách tiền thưởng hằng năm cho bộ phận bán hàng này. Mục tiêu của phương thức này là nhằm đảm bảo các nhà quản trị bán hàng không những quan tâm đến hiệu quả về doanh thu mà còn phải đánh giá những quyết định của mình đang có ảnh hưởng đến dòng lưu chuyển tiền tệ.

Bộ phận hoạt động (operation department) phải là đối tác thật sự của bộ phận tài chính trong cùng một công ty. Các doanh nghiệp hiện nay được tổ chức theo phương thức “silo”, nơi mà các bộ phận trong công ty là những “ốc đảo” riêng, thiếu hẳn sự trao đổi thông tin và thiết lập mục tiêu chung giữa các bộ phận. Với các tổ chức “silo” này, mục tiêu giữa bộ phận hoạt động và bộ phận tài chính thường là mâu thuẫn với nhau. Chẳng hạn như đối với cách nhìn về hàng tồn kho, thì bộ phận tài chính thường yêu cầu mức tồn kho thấp để vốn lưu động có thể luân chuyển nhanh hơn, trong khi bộ phận hoạt động lại muốn có mức tồn kho cao nhằm đảm bảo được quá trình cung ứng liên tục cho nội bộ hoặc cho khách hàng. Sự mâu thuẫn này dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả nguồn vốn lưu động. Để giải quyết điều này, một số công ty đã phát triển hệ thống thông tin cho phép bộ phận hoạt động và tài chính có thể liên hệ với nhau đồng thời xác lập các mục tiêu chung. Một công ty cho biết kết quả của sự hợp tác này đã đem đến sự cải thiện đáng kể về tỷ lệ doanh thu quá hạn giảm 38%, tỷ lệ khoản phải trả quá hạn giảm hơn 50% và giảm số ngày tồn kho hơn 90%. Kết quả này đã ảnh hưởng tích cực đến nguồn vốn lưu động của công ty.

Trên đây là 3 phương pháp mà có thể nâng cao được hiệu quả vốn lưu động của doanh nghiệp. Để thực hiện thành công các phương pháp này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của doanh nghiệp trong việc tái cơ cấu của tổ chức của mình. Hơn thế nữa, các phương pháp này đòi hỏi phải thực hiện liên tục thay vì “chỉ làm một lần”.

 


[1]Hiệu quả sử dụng vốn lưu động là toàn bộ hoạt động quản lý hiệu quả các khoản phải thu, chính sách tín dụng, quản lý hàng tồn kho, quản lý tiền mặt, và đầu tư các khoản tiền mặt nhàn rỗi trên thị trường tiền tệ.